DỰ ÁN “QUỸ KHUYẾN HỌC BETOAJI”
I. Đặt vấn đề
BETOAJI là tổ chức thiện nguyện phi lợi nhuận hoạt động với 2 mục tiêu chính đó là (1) chia sẻ văn hóa Việt đối với bạn bè Quốc tế và (2) các hoạt động xã hội, từ thiện hướng đến trẻ em nghèo tại Việt Nam. Hiện nay chúng tôi đang triển khai các hoạt động giới thiệu, chia sẻ văn hóa đi kèm gây quỹ như tổ chức các lớp dạy nấu ăn món Việt cho người Nhật, các lớp giới thiệu văn hóa, kêu gọi tài trợ, ủng hộ từ các tổ chức cá nhân…
Về các hoạt động xã hội và từ thiện, hiện tại BETOAJI cũng đang triển khai các hoạt động ủng hộ chương trình Cơm Có Thịt tại Việt Nam thông qua chương trình “Gia đình nhỏ – Tình yêu lớn”, tổ chức và hỗ trợ các hoạt động khác như tổ chức khám chữa răng miễn phí cho học sinh, hỗ trợ chương trình Sách hóa nông thôn ở Việt Nam…
Tuy nhiên BETOAJI mong muốn mở rộng các hoạt động nhằm đa dạng hóa và chủ động hơn trong các hoạt động xã hội và từ thiện của mình. Một trong những hoạt động mà BETOAJI có thể làm được và phù hợp với mục tiêu hướng tới đối tượng trẻ em nghèo Việt nam đó là hỗ trợ các học sinh nghèo hiếu học tại vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người dưới hình thức trao học bổng để các em có điều kiện tiếp tục đến trường. Do đó, BETOAJI thành lập Quỹ khuyến học mang tên nhóm: “Quỹ khuyến học BETOAJI”.
Học sinh Ea Súp: Nhiều em vẫn còn chân đất đến trường
II. Nội dung, tổ chức hoạt động Quỹ khuyến học BETOAJI
II.1. Mục đích và đối tượng
– Quỹ khuyến học BETOAJI trao học bổng cho các đối tượng là học sinh tiểu học nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt tại các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người…
– Tiêu chí lựa chọn:
+ Hoàn cảnh gia đình và học sinh: Gia đình có hoàn cảnh khó khăn thuộc 1 trong các thành phần sau: hộ nghèo, mồ côi cha và/hoặc mẹ, bố mẹ đau ốm, bản thân bị tàn tật hoặc mắc bênh hiểm nghèo.
+ Kết quả học tập và hạnh kiểm: Xếp loại học lực và hạnh kiểm năm học trước từ khá trở lên.
+ Nếu nhiều học sinh cùng có 2 tiêu chí trên thì sẽ xét theo kết quả học tập từ trên xuống dưới.
II.2. Số lượng học sinh và mức học bổng (dự kiến giai đoạn 1, năm học 2013-2014)
– Số lượng học sinh: 50 em
– Mức học bổng: 120,000 VNĐ (tương đương 500 yên)/tháng x 9 tháng trong 1 năm học
II. 3. Địa bàn dự định chọn cho mô hình thí điểm giai đoạn 1
– Địa bàn: Thực hiện trên các trường tiểu học thuộc 10 xã và thị trấn của huyện Ea Súp, tỉnh Đắc Lắc, thuộc Tây nguyên, Việt Nam. Đây là huyện thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắc Lắc, đời sống nhân nhân còn gặp nhiều khó khăn. Thành phần dân tộc chủ yếu là Êđê, Gia Rai.
II. 4. Kinh phí cho dự án
– Hiện nay một số tổ chức của Nhật bản đã đồng ý sơ bộ sẽ tài trợ cho BETOAJI kinh phí 50-70 suất học bổng bắt đầu từ tháng 9 năm nay.
– Trong trường hợp chưa được tài trợ từ các tổ chức, quỹ BETOAJI sẽ chi cho hoạt động này khoảng 225,000 yên (tương đương khoảng 50 triệu VNĐ).
II.3. Phụ trách dự án
– Phụ trách chung: Ban điều hành BETOAJI.
– Phụ trách trực tiếp:
+ Phía Việt Nam: Nguyễn Thu Hồng
+ Phía Nhật Bản: Lâm Đại Phong, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thanh Bình
II.4. Kế hoạch triển khai (sơ bộ)
– Tháng 4-5: Khảo sát địa bàn, lên danh sách và thông tin của học sinh, hoàn thành sơ bộ dự án.
Hiện tại đoàn khảo sát của BETOAJI đã đến làm việc với địa phương, thông qua chính quyền và phòng giáo dục, gặp gỡ hiệu trưởng các trường tiểu học. Đã tiến hành khảo sát trực tiếp, tận nhà hơn 50 em học sinh đủ điều kiện để được nhận học bổng BETOAJI.
– Tháng 6: Trình bày dự án với các tổ chức tài trợ.
– Tháng 7-8: Hoàn chỉnh dự án, chuẩn bị nhân lực, tổ chức, kinh phí.
– Tháng 9/2013-5/2014: Tiến hành dự án (trao học bổng cho học sinh, theo dõi và phản hồi thông tin, tổ chức các hoạt động khác đi kèm).
– Tháng 5/2014: Tổng kết, đánh giá và mở rộng dự án.